Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Cái Chết Của A-hi-tô-phe – Bài Học Cho Những Ai Bán Mình Cho Rồng Đỏ


“Đức Giê-hô-va biết đường người công bình,
Song đường kẻ ác rồi bị diệt vong.” (Thi thiên 1: 6)
Kinh thánh: II Sa-mu-ên chương 15-17.

***


Sống trong đời, có những người thấy như khôn nhưng hóa ra là dại, cũng có những người ngó như dại mà lại là khôn. Bài học về A-hi-tô-phe sẽ giúp chúng ta thấy được một số điều tương tự.

1. A-hi-tô-phe, là mưu sĩ của Đa-vít chạy theo phe nổi loạn:

Đương lúc Áp-sa-lôm dâng của lễ, bèn sai mời A-hi-tô-phe, là mưu sĩ của Đa-vít ở Ghi-lô, bổn thành người. Sự phản nghịch trở nên mạnh, và đoàn dân đi theo Áp-sa-lôm càng ngày càng đông.” (II Sam. 15: 12)

A-hi-tô-phe vốn là một mưu sĩ cho Đa-vít từ trước. Thế nhưng trong cuộc đão chánh, binh biến, “cách mạng”, lật đổ này – Áp-sa-lôm lập đảng nổi lên lật đổ, cướp ngôi cha – thì A-hi-tô-phe chạy theo phe nổi loạn, mà không trung thành theo Đa-vít.

2. Đa-vít cầu cho mưu của A-hi-tô-phe thất bại:

Người ta bèn đến nói cùng Đa-vít rằng: A-hi-tô-phe cũng hiệp đảng phản nghịch với Áp-sa-lôm. Đa-vít cầu rằng: Ôi, Đức Giê-hô-va! Xin làm cho những mưu chước của A-hi-tô-phe ra ngu dại.” (II Sam. 15: 31)

Trong cơn binh biến này, Đa-vít đã cầu nguyện xin Chúa làm cho mưu chước của A-hi-tô-phe trở nên ngu dại để khiến cho cuộc “cách mạng” này trở nên thất bại. 

Phao-lô dạy: Chúng ta không đánh trận với “thịt và huyết” tức với con người, nhưng chúng ta đánh trận với “chủ quyền, thế lực cùng vua chúa của thế gian mờ tối”, tức các thế lực đang cầm quyền chốn không trung, là ma quỷ và Sa-tan. Hãy cầu nguyện để Chúa khiến những âm mưu đen tối của các thế lực tối tăm phải trở nên ngu dại và thất bại. (Ê-phê-sô 6: 12) Nhưng trước hết chúng ta phải “đúng” giống nhu Đa-vít, ông biết ông đã phạm tội và đã ăn năn với Chúa sâu xa. Chính vì vậy trong cuộc chiến này, ông tin cậy và xin Chúa đánh trận cùng ông và ông đã thắng. Chúng ta học cách đánh trận của Đa-vít nhưng cũng phải học cách sống ngay thẳng, kính sợ Chúa của Đa-vít nữa. Chúng ta – Hội thánh cứ phạm tội, không ăn năn, cứ sống trong tội lỗi… rồi cũng đòi “chiến trận với ma quỷ” và đòi “chiến thắng như Đa-vít” thì “còn khuya” Chúa mới phù hộ chúng ta! Chúa sẽ cứ để chúng ta đi từ thất bại này đến thất bại khác, như Y-sơ-ra-ên trước thành A-hi, đơn giản vì chúng ta “coi thường Chúa” và “ưa thích sống trong tội lỗi” hơn là kính sợ Ngài, ăn năn và lìa bỏ tội lỗi!

3. Đa-vít cài người đánh bại mưu chước của A-hi-tô-phe:

Nhưng nếu ngươi trở về thành, và nói cùng Áp-sa-lôm rằng: Ôi vua! Tôi là kẻ tôi tớ vua. Thuở trước tôi đã phục sự vua cha thể nào, bây giờ tôi sẽ phục sự vua thể ấy, - vậy ngươi sẽ vì ta làm bại mưu chước của A-hi-tô-phe.” (II Sam. 15: 34)

Đa-vít nói cùng Hu-sai là bạn thân mình rằng: Hãy trở về với vua mới Áp-sa-lôm và nói với người rằng: “tôi đã trung thành với vua cũ thế nào thì bây giờ tôi trung thành với vua mới thể ấy, tôi vẫn phục vụ Đức Giê-hô-va và Y-sơ-ra-ên”… nhưng mục đích là “cứ ở đó làm tình báo cho Đa-vít”! Mọi thông tin diễn biến cuộc đão chánh, về Áp-sa-lôm và A-hi-tô-phe mà Hu-sai có được thì sẽ báo qua Xa-đốc và A-bia-tha là hai thầy tế lễ còn ở lại Giê-ru-sa-lem. Hai người này có hai con trai là A-hi-mát và Giô-na-than là hai thanh niên có “có tài chạy nhanh” mà Đa-vít đã cài lại làm người báo tin, liên lạc viên giữa Đa-vít ngoài đồng vắng và Hu-sai đang ở nội thành bên cạnh Áp-sa-lôm.

Trong khi “cái ác” đang thắng thế thì những người như Hu-sai, Xa-đốc, A-bia-tha, A-hi-mát, Giô-na-than… vẫn chọn trung thành với chánh nghĩa là Đa-vít. Mặc dù với tình thế “cái ác đang lên ngôi”, phe Ap-sa-lôm đang thắng và đã chiếm được kinh thành, đã tuyên bố là vua… nếu họ chọn đứng hẳn về phe đang thắng thế Áp-sa-lôm thì chắc chắn Áp-sa-lôm sẽ thắng hoàn toàn và nhất định họ sẽ được “một ghế trong nội các” hoặc “bộ chính trị của Áp-sa-lôm”, hoặc một chức tước nào đó rất lớn trong triều đại mới và triều đại của Đa-vít sẽ vĩnh viễn đi vào quá khứ của lịch sử… Thế nhưng những người này không ủng hộ cái ác, họ âm thầm làm việc cho chính nghĩa một cách khôn ngoan. 

Ngày hôm nay “cái ác cũng đang thắng thế”, nhiều người thay vì “âm thầm phục vụ cho chính nghĩa của Đấng Christ” cách khôn ngoan, họ lại đi “bán mình cho Sa-tan – phục vụ cho Rồng đỏ” để mong mưu cầu một chút vinh hoa tạm bợ trong đời. Nhiều người ngày nay thay vì “ủng hộ tiên tri để giành lại chính nghĩa cho Hội thánh” thì họ chạy theo ủng hộ những kẻ “bán mình cho rồng đỏ” để tiếp tục phá hoại Hội thánh của Đức Chúa Trời, mặc dù họ vẫn xưng mình là con cái, là tôi tớ Đức Chúa Trời.

4. A-hi-tô-phe muốn diệt Đa-vít (vì sao?): 

Áp-sa-lôm và hết thảy người Y-sơ-ra-ên đều đã vào Giê-ru-sa-lem rồi, và A-hi-tô-phe theo người.” (II Sam. 15: 15) 

A-hi-tô-phe là một nhà mưu lược rất có tài. Ông thông minh và chính xác trong nhiều quyết đoán, là người từng là “nhà cố vấn mưu lược rất tin cậy của Đa-vít”. Thế nhưng trong cuộc binh biến này, không hiểu sao A-hi-tô-phe đã chọn đứng về phe của Áp-sa-lôm mà không trung thành cùng Đa-vít. Lại 

“Ma dẫn lối, quỷ đưa đường, 

Lại tìm cái chốn đoạn trường mà đi”…


Chăng?

A-hi-tô-phe đã quyết chọn đứng về phe nổi loạn Ap-sa-lôm để “thay thời đổi thế”. Nếu cuộc cách mạng này thành công vĩnh viễn thì A-hi-tô-phe chắc chắn sẽ “làm lớn” trong triều đại mới của Ap-sa-lôm? Có lẻ ông nghĩ vậy! 

A-hi-tô-phe thuộc loại người “khôn nhưng không ngoan”, “thông minh nhưng không có lập trường chính nghĩa”, “có gan” nhưng không có “bản lĩnh chính trị”… Nếu Ap-sa-lôm nghe theo ông, hoặc nói cách khác là nếu không có Hu-sai ở lại để “đánh bạc” (làm cho lạc) mưu của A-hi-tô-phe thì chắc chắn phe Ap-sa-lôm sẽ chiến thắng vĩnh viễn! (nói theo quan điểm khách quan, nếu không có sự tể trị của Chúa…)

A-hi-tô-phe muốn mưu việc lớn cho bản thân mình.

Ngày nay cũng có nhiều người tuy thông minh, nhưng họ phục vụ cho cái tôi của họ, mà không phục vụ cho “chính nghĩa của Đấng Christ”!

5. A-hi-tô-phe được ‘vua mới’ – Áp-sa-lôm tin cậy: 

“Áp-sa-lôm bèn nói cùng A-hi-tô-phe rằng: Hai ngươi hãy mưu cùng nhau đặng định điều chúng ta phải làm.” (II Sam. 16: 20)

Người làm vua thì luôn biết sử dụng những bộ óc thông minh của người khác. Nhưng những bộ óc thông minh mà đi phục vụ cho một ông vua “dại”, không có chính nghĩa thật, thì là những bộ óc “quá ngu dại”! A-hi-tô-phe và Hu-sai đang ngồi trước vua mới Ap-sa-lôm như hai vị “quân sư” được vua tin cậy. Nhưng A-hi-tô-phe thì đang phục vụ cho mục đích “diệt chính nghĩa”, xóa bỏ vĩnh viễn triều đại của Đa-vít để “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa… Ap-sa-lôm”, xây dựng “thời đại mới”! Còn Hu-sai vẫn ngồi trước mặt vua mới Ap-sa-lôm, nhưng ông âm thầm phục vụ cho “chính nghĩa của Y-sơ-ra-ên – triều đại của Đa-vít”. 

A-hi-tô-phe là loại người “ăn cơm quốc gia thờ ma phản loạn”, Hu-sai thuộc nhóm người trong mọi hoàn cảnh, luôn “trung thành với chính nghĩa quốc gia – Y-sơ-ra-ên”. 

Trong Hội thánh ngày nay cũng không ít hạng người “ăn cơm Hội thánh nhưng chạy mánh cho Sê-sa”! “Ăn cơm Tin lành, ma lanh cho rồng đỏ”!

6. A-hi-tô-phe sỉ nhục nhà Đa-vít – sỉ nhục “chế độ cũ”:

A-hi-tô-phe đáp cùng Áp-sa-lôm rằng: Hãy đi đến cùng các cung phi của thân phụ ông đã để lại đặng giữ đền. Khi cả Y-sơ-ra-ên hay rằng ông đã sỉ nhục thân phụ ông như vậy, thì hết thảy những người ở cùng ông lại sẽ càng mạnh mẽ hơn.” (II Sam. 16: 21)

Khi “quân cách mạng của Ap-sa-lôm” đã “giải phóng được kinh thành” Giê-ru-sa-lem thì A-hi-tô-phe đã hiến kế cho Ap-sa-lôm sỉ nhục nhà Đa-vít. Sỉ nhục nhà Đa-vít tức là “sỉ nhục triều đại cũ”, sỉ nhục “chế độ cũ”… Đó là cách để làm cho lòng dân chúng không còn mơ tưởng gì về triều đại cũ của Đa-vít để hướng về vua mới, triều mới, thời đại mới. Đây là một kế rất bẩn thỉu và nham hiểm của A-hi-tô-phe nhằm xóa bỏ vĩnh viễn ảnh hưởng của chế độ cũ, thời kỳ của Đa-vít. Khi người ta “sỉ nhục chế độ cũ” thì người ta muốn nói “chế độ mới quang vinh muôn năm”! Khi Ap-sa-lôm làm điều như vậy đối với cha mình thì ông “không còn đường về”, phải chiến đấu đến cùng và đến chết. A-hi-tô-phe không có thù hận gì với Đa-vít trước đây, nhưng ông muốn cùng với Ap-sa-lôm đi đến cùng, quyết tâm dựng một triều đại mới, mà trong đó ông là một người “đứng thứ hai sau vua”!

A-hi-tô-phe đã dùng “cái đầu rất có giá” của mình để mưu việc lớn, mà cái đích mà ông nhắm tới là ông sẽ là “nhân vật thứ hai sau vua” trong triều đại mới này, ngoài ra với ông không có chính nghĩa gì khác. A-hi-tô-phe là hạng người “rất có cái đầu” nhưng không có chính nghĩa. 

Trong công việc Hội thánh, công việc nhà Chúa ngày hôm nay cũng có nhiều người rất có “cái đầu”, nhưng cái đầu đó họ chỉ dùng để “mưu việc lớn theo kiểu A-hi-tô-phe”: thúc đẩy một phong trào, một chương trình, một kế hoạch nào đó, mà trong đó họ phải có một phần lợi lớn, hoặc một vị trí, địa vị… chứ không phải phục vụ cho chính nghĩa Đấng Christ thật sự. Xúi người khác làm điều bất lương, vô đạo để mình đạt mục đích (Thí dụ: Nguyễn Vĩnh Minh Th dùng “cái đầu” xúi Nguyễn Kim T phối hợp đánh phá LHS – PĐN xúi LMĐ cướp của, ly khai… Những nhân vật này cũng sẽ đi vào “lịch sử những tên phá hoại” Hội thánh)

7. A-hi-tô-phe là nhà mưu lược thật sự:

“Vả, trong lúc đó, người ta coi mưu của A-hi-tô-phe như lời phán của chính Đức Chúa Trời. Giá trị các mưu của A-hi-tô-phe, hoặc đối cùng Đa-vít, hoặc đối cùng Áp-sa-lôm, đều là như vậy.” (II Sam 16: 23)

A-hi-tô-phe không phải là loại “quân sư quạt mo”, ông là một nhà mưu lược có tài thật sự, những gì ông đưa ra được sánh như “lời phán của Đức Chúa Trời” dù là đối với Đa-vít hay là Ap-sa-lôm. Nhưng chỉ tiếc một điều là “cái đầu” của ông không dùng cho chính nghĩa. 

Ngày nay cũng có nhiều Cơ-đốc-nhân “rất có cái đầu”, nhưng cái đầu đó lại thiếu đi một chính nghĩa. Họ dùng cái đầu để phục vụ cho “cái bụng” họ mà thôi. Sứ đồ Phao-lô đã nói về hạng người này:

Sự cuối cùng của họ là hư mất; họ lấy bụng mình làm chúa mình, và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi.” (Phil 3: 19)

Kết cuộc của họ là sự hư vong, họ lấy cái bụng làm Đức Chúa Trời mình và vinh quang trong cái đáng hổ thẹn. Họ chỉ nghĩ đến những điều thế tục.” (BDM)

Nếu tất cả Cơ-đốc-nhân đều nghĩ đến chính nghĩa của Đấng Christ thì Hội thánh sẽ vinh hiển là dường nào. Hội thánh lúc đó sẽ “không vết, không nhặn không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch trọn vẹn”… trước mặt Đức Chúa Trời. (Ê-phê-sô 5: 27)

8. A-hi-tô-phe – mưu lược của ông luôn đúng:

A-hi-tô-phe lại nói cùng Áp-sa-lôm rằng: Xin cho phép tôi chọn mười hai ngàn quân. Tôi sẽ kéo ra đuổi theo Đa-vít nội đêm nay.” (II Sam 17: 1)

Kế hoạch “thừa thắng xông lên” của A-hi-tô-phe trong lúc này là đúng về mặt quân sự. Đa-vít sẽ thất bại hoàn toàn nếu đêm đó Ap-sa-lôm thực thi theo lời đề nghị của mưu sĩ A-hi-tô-phe: Tập hợp 12 ngàn quân lính mở một đợt tổng tiến công vào phe của Đa-vít đang trong lúc mệt mỏi, rả rời cả tinh thần lẫn thể chất, hàng ngũ chưa ổn định, chưa có kế hoạch phòng thủ, chưa sẵn sẵn sàng để đối phó với những đợt tấn công của đối phương… Phe của Đa-vít chắc chắn sẽ bị xóa sổ nếu Ap-sa-lôm làm theo kế hoạch của A-hi-tô-phe. Thế nhưng, nói như Nguyễn Du “Gẫm hay muôn sự tại trời”. Hoặc nói như… thì “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”!

Đức Chúa Trời đã khiến cho “mưu của A-hi-tô-phe ra ngu dại”!

9. Mưu của A-hi-tô-phe bị đánh “bạc” bởi Hu-sai:

Hu-sai đã vào trong đền Áp-sa-lôm, thì Áp-sa-lôm nói cùng người rằng: A-hi-tô-phe đã nói lời như vậy; chúng ta có nên làm theo lời người đã bàn hay chăng? Hu-sai bèn đáp cùng Áp-sa-lôm rằng: Lần nầy, lời bàn của A-hi-tô-phe không được tốt lành.” (II Sam. 17: 6-7)

Hu-sai là bạn thân của Đa-vít được cài lại để hoạt động tình báo, ông cũng được ngồi vào “bàn mật nghị và là cố vấn” cho Ap-sa-lôm. 

Khi kế hoạch và lời đề nghị của A-hi-tô-phe được đưa ra thì Ap-sa-lôm có hỏi ý kiến của Hu-sai, Hu-sai đã tìm cách “đánh bạc đi” và trả lời rằng “Lần nầy, lời bàn của A-hi-tô-phe không được tốt lành.” – Lẽ tất nhiên một người giỏi cách mấy cũng có lúc không đúng. Hu-sai khẳng định với Ap-sa-lôm là A-hi-tô-phe rất giỏi, nhưng chỉ lần này mưu định, kế hoạch của ông ấy “không được tốt lành”. Hu-sai đã thuyết phục được Ap-sa-lôm hủy bỏ kế hoạch tống tấn công bất ngờ, trong lúc binh lính và hàng ngũ của Đa-vít trong tình thế bất lợi nhất. Hu-sai đã thành công và đây chính là yếu tố quyết định cho sự sống còn, thành bại của hai phe Đa-vít và Ap-sa-lôm – Chính nghĩa và phi nghĩa.

Trong cuộc chiến với Sa-tan hiện nay, Hội thánh cần có những người như Hu-sai: Dùng “cái đầu” của mình để phục vụ cho Chính nghĩa của Đấng Christ. Hội thánh cần có nhiều “mưu sĩ” cỡ như Hu-sai để đánh trận với “địch”. Binh đông tướng mạnh mà thiếu những cái đầu mưu sĩ, thiếu những nhà mưu lược, thì chỉ có thất bại. Hội thánh như một binh đoàn, một “đạo quân giương cờ xí”… (Nhã ca 6: 4, 10). Một đạo quân tất nhiên phải có nguyên soái, phải có “bộ tổng tham mưu”, phải có nhiều mưu sĩ… Hội thánh ngày nay là một đạo quân không có nguyên soái, mặc dù “Đấng Christ là Nguyên Soái và thành toàn của đức tin” của Hội thánh (Hê 12: 2), nhưng đối với Hội thánh ngày nay Ngài chỉ là “nguyên soái trên danh nghĩa”. Hội thánh ngày nay là một đạo quân “mạnh ai nấy đánh” – “mọi người cứ làm theo ý mình cho là phải” và Hội thánh không có một “bộ tổng tham mưu chiến trường”!

Dân sự sa ngã tại không chánh trị;
Song nếu có nhiều mưu sĩ, bèn được yên ổn.” (Châm 11: 14)

Hội thánh sa ngã vì không có một đường lối nhất quán. 

Hội thánh thất bại vì không có một “Bộ Tổng tham mưu”!

Vì con phải nhờ mưu khôn mà đánh giặc;
Đâu có nhiều mưu sĩ thì đặng toàn thắng.” (Châm 24: 6)

Nếu Hội thánh “phục dưới chân Đấng Christ” là Nguyên Soái, đúng như Kinh thánh Ê-phê-sô 1: 22 đã nói thì Hội thánh đã không thất bại như ngày nay.

10. A-hi-tô-phe “hết thời” – kẻ ác dù khôn nhưng Đức Chúa Trời “khôn hơn” kẻ ác: 

Bấy giờ, Áp-sa-lôm và cả dân Y-sơ-ra-ên đều nói rằng: Mưu của Hu-sai, người Ạt-kít, hay hơn mưu của A-hi-tô-phe. Vả, Đức Giê-hô-va đã định làm bại mưu khôn ngoan của A-hi-tô-phe, hầu giáng sự tai họa trên Áp-sa-lôm vậy.” (II Sam 17: 14)

Đường lối, mưu lược và sự khôn ngoan của A-hi-tô-phe không phải là sai, thậm chí nó hoàn toàn đúng và chính xác… nhưng cái sai của A-hi-tô-phe là ông đã chọn đứng về phe phi nghĩa, phản loạn Ap-sa-lôm. Đức Chúa Trời đã định giáng tai họa trên Ap-sa-lôm, kẻ chủ xướng và phát động một cuộc chiến tranh phi nghĩa, gây đổ máu, cốt nhục tương tàn… thì dù mưu lược của A-hi-tô-phe có khôn ngoan, chính xác tới đâu cũng sẽ đi đến một sự thất bại thảm hại mà thôi. Đức Chúa Trời khiến người khôn ngoan phải “mắc bẫy” trong chính mưu kế của họ. (I Cô-rinh-tô 1: 19-20)

Những ai dù có “cái đầu”, nhưng lại đi phục vụ cho “rồng đỏ” thay vì phục vụ Đấng Christ, trước sau gì họ cũng sẽ chuốc lấy cho mình một hậu quả giống như A-hi-tô-phe.

11. A-hi-tô-phe tự sát (Vì sao?):

A-hi-tô-phe thấy người ta không theo mưu của mình, bèn thắng lừa, trở về thành mình, và vào trong nhà người. Sau khi người đã sắp đặt việc mình rồi, thì tự thắt cổ mà chết. Người ta chôn người trong mộ của cha người.” II Sam 17: 23)

Hơn ai hết, A-hi-tô-phe tự biết điều gì sẽ xảy ra sau khi Ap-sa-lôm không nghe theo kế hoạch của mình. A-hi-tô-phe tự sát không phải vì ông”tự ái” (vì người ta không nghe theo mưu kế của ông, mà nghe theo Hu-sai), mà là vì ông biết rõ điều gì sẽ xảy ra – Ông biết rõ chuyến này Ap-sa-lôm sẽ thua là cái chắc. Là một nhà mưu lược, A-hi-tô-phe biết rõ: một khi Đa-vít đã ổn định được đội hình và lấy lại được tinh thần cho binh lính thì Ap-sa-lôm “cỡ nào cũng chết”! Khi Ap-sa-lôm thua trận thì điều gì sẽ xảy đến cho A-hi-tô-phe? Ai là người đã đứng sát cánh với phe phản loạn để làm mưu sĩ? Ai là người đã xúi Ap-sa-lôm “sỉ nhục nhà Đa-vít” – làm nhục các cung phi ở lại giữ cung? Ai là người đã hiến kế cho Ap-sa-lôm tập hợp 12 ngàn binh lính tổng tấn công vào hàng ngũ Đa-vít trong tình thế bất lợi nhất? …? Nếu A-hi-tô-phe không tự thắt cổ tự vẫn, thì các quan tướng của Đa-vít khi tái chiếm Giê-ru-sa-lem cũng sẽ “treo cổ” mưu sĩ A-hi-tô-phe mà thôi! A-hi-tô-phe TỰ SÁT không phải vì ông TỰ ÁI, mà là vì ông TỰ BIẾT điều gì sắp xảy ra cho mình. 

Bài học: Người thông minh, mưu lược nhưng đi theo đường “kẻ dữ” thì cuối cùng là diệt vong. (Thi thiên 1)

“Đức Giê-hô-va biết đường người công bình,

Song đường kẻ ác rồi bị diệt vong.” (Thi thiên 1: 6)

Hãy dùng khả năng, tài lực của mình mà chiến đấu, phục vụ cho Chính nghĩa của Đấng Christ. 


Huỳnh Thúc Khải
Mv LHS Chúa nhật 31/3/2013

1 nhận xét:

  1. Cảm Chúa mặc khải trên bài chia sẻ của Tiên tri Huỳnh Thúc Khải ,đây là tình cảnh Hội Thánh Tin Lành miềm nam hiện tại không khéo thì Tanh rình ...Thánh ca truyền thống 100 năm mà chúng nó dám sửa lời ,Hiến chương thì tự áp đặc trái với tín lý ,đúng là hậu sinh khả Ố !!!Ứng nghiệm lời Chúa :Sự cuối cùng của họ là hư mất; họ lấy bụng mình làm chúa mình, và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi.” (Phil 3: 19)

    Trả lờiXóa